3 dấu hiệu bị rạn da khi mang thai mẹ bầu cần lưu ý
Rạn da khi mang thai là nỗi ám ảnh của không ít mẹ bầu. Một khi đã xuất hiện, vết rạn rất khó biến mất. Tuy nhiên, mẹ bầu hoàn toàn có thể chủ động ngăn ngừa tình trạng rạn da và hạn chế những vết sẹo rạn xấu xí nếu kịp thời phát hiện các dấu hiệu bị rạn da khi mang thai ngay từ lúc mới chớm.
Trong bài viết này, Marry Baby sẽ giới thiệu cho bạn các dấu hiệu bị rạn da khi mang thai cũng như cách giúp ngăn ngừa và hạn chế sự phát triển của chúng.
3 dấu hiệu bị rạn da khi mang thai mẹ bầu cần lưu ý
Dưới đây là 3 dấu hiệu rạn da mà mẹ bầu có thể gặp phải khi mang thai:
Ngứa hoặc khó chịu trên da
Vết rạn chính là một dạng tổn thương nhỏ trên bề mặt da. Khi mẹ bầu tăng cân nhanh chóng, làn da bị kéo căng đột ngột, vượt quá khả năng tái tạo và đàn hồi tự nhiên của da, từ đó khiến bề mặt da bị “rách”. Quá trình chữa lành các tổn thương này có thể gây ra cảm giác ngứa, tương tự như khi vết thương ngoài da “lên da non”. Vì vậy, một trong những dấu hiệu rạn da dễ nhận biết nhất chính là cảm giác ngứa ngáy, châm chích xuất hiện ở những vị trí mà da bị kéo căng trong thai kỳ, như bụng, ngực, mông, đùi…
Dấu hiệu bị rạn da khi mang thai: Xuất hiện vết lõm hoặc gờ nhẹ trên da
Đi kèm với cảm giác ngứa ngáy, mẹ bầu có thể nhận thấy trên bề mặt da xuất hiện những vết lõm và gờ nhẹ có kết cấu khác với các vùng da bình thường. Khi sờ vào, da ở khu vực này có cảm giác bị kéo căng và mỏng hơn so với các vùng da xung quanh. Nguyên nhân của sự khác biệt trên chính là do các sợi collagen và elastin có tác dụng nâng đỡ bên dưới da bị xáo trộn và đứt gãy khi da bị kéo căng quá mức.
Xuất hiện các đốm hay vệt màu bất thường trên da
Ở giai đoạn đầu tiên khi mới hình thành, các vết rạn thường nhỏ, màu hồng hoặc đỏ nhạt. Theo thời gian, chúng có xu hướng phát triển thành các vết rạn lớn hơn, có màu đỏ, tím hoặc nâu, chạy dài theo hướng căng của da. Các vết rạn phát triển tối đa có thể dài đến vài chục centimet và rộng từ 1-10mm. Để kịp thời ngăn chặn sự phát triển của các vết rạn, mẹ bầu hãy chú ý đến các vệt màu bất thường trên da, đặc biệt là ở những khu vực tăng kích thước nhiều trong thai kỳ như bụng, mông, đùi. Mẹ cũng đừng bỏ qua các vùng da ở bắp tay, chân, hai bên hông hay thắt lưng vì vết rạn cũng có thể xuất hiện ở các vị trí này.
Yếu tố nào cảnh báo bạn dễ bị rạn da hơn người khác?
Có mẹ hoặc bà bị rạn da khi mang thai
Để biết bạn có nguy cơ bị rạn da hay không, hãy hỏi mẹ hoặc bà của bạn xem họ có từng bị rạn da khi mang thai không. Cấu trúc làn da của chúng ta chịu nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Nếu “thừa hưởng” làn da đàn hồi kém, thiếu các sợi elastin nâng đỡ thì mẹ bầu sẽ có khả năng gặp phải các dấu hiệu bị rạn da khi mang thai cao hơn người khác.
Từng bị rạn da ở tuổi dậy thì
Rạn da không chỉ được hình thành trong giai đoạn mang thai mà còn có thể xuất hiện trong quá trình dậy thì. Sự thay đổi hormone trong cơ thể người phụ nữ ở hai thời điểm này được cho là có thể làm tăng khả năng xuất hiện vết rạn trên da. Vì vậy, nếu mẹ bầu từng bị rạn da khi dậy thì, hãy chú ý kỹ hơn khi mang thai vì nguy cơ xuất hiện vết rạn của bạn là rất cao.
Tăng cân nhanh trong thai kỳ
Tăng cân nhanh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rạn da ở mọi độ tuổi. Vì thế, mẹ bầu hãy chủ động kiểm soát chế độ ăn uống và vận động để duy trì mức tăng cân ổn định, không vượt quá cân nặng được bác sĩ khuyến cáo. Trung bình, mẹ bầu không nên tăng quá 11-16kg. Ngoài ra, mẹ mang thai đôi hoặc thai quá to so với thể trạng cũng sẽ có nguy cơ bị rạn da cao hơn.
Mang thai khi còn trẻ
Da của người trẻ thường có độ căng cao. Càng lớn tuổi, da càng mất dần độ đàn hồi, trở nên mỏng manh và dễ bị kéo giãn hơn. Tuy nhiên, chính vì sở hữu cấu trúc da săn chắc, chưa bị co giãn nhiều, các mẹ bầu trẻ tuổi thường phải đối mặt với nguy cơ bị rạn da khi mang thai cao hơn. May mắn là làn da của những người trẻ tuổi cũng sở hữu tốc độ phục hồi và tái tạo nhanh hơn nên mẹ bầu trẻ không cần quá lo lắng.
Mẹ bầu cần làm gì nếu nhận thấy dấu hiệu bị rạn da khi mang thai?
Làm giảm các triệu chứng khó chịu
Như đã đề cập, da bị kéo căng quá mức sẽ gây nên cảm giác ngứa ngáy, châm chích cho mẹ bầu. Để làm giảm cảm giác khó chịu này, mẹ bầu nên chọn các loại quần áo được làm từ vải cotton thoáng mát, tránh mặc các loại vải thô, cứng, làm từ sợi tổng hợp dễ gây kích ứng da. Khi tắm, mẹ bầu hãy pha nước vừa đủ ấm, không tắm nước quá nóng. Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên tránh dùng sữa tắm và kem dưỡng chứa cồn hoặc các chất dễ làm khô da.
Mỗi ngày hai lần, mẹ bầu có thể dùng dầu chăm sóc da có chứa các dưỡng chất, tinh dầu kháng khuẩn, kháng viêm và ngừa rạn tự nhiên để massage nhẹ nhàng lên các khu vực bị căng, ngứa. Ngoài ra, mẹ bầu còn có thể dùng một chiếc khăn lạnh để chườm lên các vùng da này trong 5-10 phút.
Chú ý duy trì cân nặng hợp lý
Một trong những cách đơn giản để ngăn ngừa các vết rạn xấu xí xuất hiện trên da là giữ cho cơ thể không tăng cân quá nhanh trong suốt thai kỳ. Để làm được điều này, mẹ bầu nên xây dựng cho mình một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh. Ngoài chế độ ăn uống giúp kiểm soát cân nặng, bạn cũng nên ưu tiên một số loại thực phẩm giúp kích thích sản sinh các sợi protein đàn hồi dưới da như quả bơ, đậu, hạt, rau lá xanh, cam, chanh…
Bên cạnh đó, mẹ nên bổ sung đủ nước để duy trì độ ẩm cho da, tăng cường tuần hoàn máu và có chế độ luyện tập nhẹ nhàng mỗi ngày để giúp duy trì cân nặng hợp lý và giữ cho làn da luôn săn chắc, khỏe mạnh.
Ngăn ngừa dấu hiệu bị rạn da khi mang thai bằng các sản phẩm chăm sóc da
Việc phát hiện dấu hiệu bị rạn da khi mang thai từ sớm, trước khi các vết rạn kịp lan rộng và biến thành sẹo sẽ giúp mẹ bầu có thêm thời gian vàng để kịp thời chăm sóc da, đẩy lùi sự phát triển của vết rạn và ngăn chặn quá trình hình thành sẹo rạn xấu xí trên da.
Nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng các loại dầu dưỡng có chiết xuất từ tự nhiên có thể giúp phòng ngừa và giảm rạn da khi mang thai hiệu quả. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, da của mẹ bầu trở nên mỏng manh và nhạy cảm hơn so với bình thường. Vì vậy, bạn cần đặc biệt thận trọng khi lựa chọn các loại dầu chống rạn da để sử dụng trong thai kỳ. Các loại dầu chống rạn da có chứa hoạt chất quá mạnh có thể gây tổn thương, kích ứng da của mẹ và đôi khi làm ảnh hưởng đến bé. Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, khi sử dụng dầu chống rạn da, mẹ nên lựa chọn các loại dầu có chiết xuất thuần tự nhiên 100%, phù hợp với làn da nhạy cảm và chứa các dưỡng chất, tinh dầu có tác dụng kháng viêm, làm mềm da, giảm thâm rạn trên da.
Bài viết nổi bật