• Đăng nhập
  • 0

    Giỏ hàng

    Chưa có sản phẩm trong giỏ!

0
  1. Trang chủ
  2. Blog - Bí quyết làm đẹp
  3. 7 băn khoăn thường gặp về vết rạn da khi mang thai

7 băn khoăn thường gặp về vết rạn da khi mang thai

Những vết rạn da xuất hiện chằng chịt trên cơ thể khi mang thai là nỗi ám ảnh của không ít mẹ bầu. Dù những vết rạn này hoàn toàn vô hại và không gây ảnh hưởng đến mẹ và bé, nỗi lo chúng sẽ ngày càng tệ hơn và không biến mất sau thai kỳ khiến mẹ khó ăn ngon, ngủ yên. Hiểu rõ về những vết rạn da “đáng ghét” xuất hiện khi mang thai sẽ giúp mẹ bầu chủ động và tự tin hơn khi đối mặt với tình trạng này.

Vậy vết rạn da khi mang thai trông như thế nào và làm sao để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng rạn da trong thai kỳ? Mời bạn cùng Marry Baby tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé.

1. Vết rạn da trông như thế nào?

Tình trạng rạn da được biểu hiện bởi những vệt dài, mảnh và hơi lõm trên da, có màu sắc cũng như kết cấu khác với các vùng da bình thường. Trung bình, 8 trên 10 mẹ bầu gặp phải tình trạng này trong quá trình mang thai.

Các vết rạn thường có màu hồng, đỏ, tím, nâu, xanh hay đen. Màu sắc và độ đậm nhạt của vết rạn thay đổi tùy theo thời gian, vị trí xuất hiện, màu da và cơ địa của mẹ bầu. Phụ nữ có màu da sáng thường xuất hiện vết rạn màu hồng. Trong khi đó, các mẹ bầu có làn da sẫm hơn thường có vết rạn sáng hơn màu da.

2. Nguyên nhân gây rạn da khi mang thai? Liệu tình trạng này có nguy hiểm?

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rạn da khi mang thai. Nguyên nhân đầu tiên đến từ sự kéo giãn đột ngột của các vùng da trên cơ thể, đặc biệt là trong ba tháng cuối thai kỳ. Thông thường, làn da có khả năng co giãn để thích nghi với sự tăng, giảm cân nặng tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, khi cân nặng tăng đột biến, vượt quá khả năng đàn hồi và tốc độ sản sinh mô mới của da, các kết cấu dưới da sẽ bị phá vỡ, từ đó dẫn đến những vết “rách” trên bề mặt da. Sẹo hình thành từ các vết rách này chính là tình trạng rạn da mà chúng ta thường thấy.

Nguyên nhân thứ hai gây nên những vết rạn da khi mang thai chính là sự thay đổi hormone trong cơ thể người mẹ ở giai đoạn này. Hormone thúc đẩy quá trình đưa nước về da, khiến kết nối giữa các sợi collagen trở nên lỏng lẻo, từ đó làm da dễ giãn và hình thành vết rạn hơn.

3. Bà bầu thường bị rạn da ở tháng thứ mấy?

Thông thường, các vết rạn sẽ xuất hiện ở tháng thứ 6 hoặc 7 của thai kỳ, khi thai nhi bắt đầu phát triển mạnh mẽ khiến các vùng da bị kéo căng hết mức. Tuy nhiên, với một số mẹ bầu, vết rạn có thể xuất hiện ngay từ khi bụng mới bắt đầu nhô rõ.

Các vết rạn thường có ba giai đoạn phát triển chính, bao gồm:

  • Giai đoạn 1: Các vết rạn mới hình thành sẽ có màu hồng nhạt và có thể gây ngứa. Vùng da xung quanh vết rạn có cảm giác phẳng và mỏng hơn.
  • Giai đoạn 2: Lúc này, các vết rạn sẽ dần trở nên to và dài hơn, màu sắc cũng bắt đầu chuyển sang đỏ hoặc tím.
  • Giai đoạn 3: Khi vết rạn đã hình thành hoàn chỉnh, chúng sẽ dần mất màu (chuyển thành màu trắng hoặc xám nhạt) vài tháng sau khi sinh. Các vết rạn thường hơi lõm nhẹ và có hình thù đa dạng, không đồng nhất.

4. Vết rạn da khi mang thai xuất hiện nhiều ở vị trí nào?

Các vết rạn khi mang thai xuất hiện phổ biến nhất ở vùng bụng bởi đây là vùng da chịu sức ép nhiều nhất khi thai nhi phát triển. Các vị trí phổ biến tiếp theo là ngực, mông và đùi. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng có thể gặp phải tình trạng rạn da ở nhiều vị trí ít ngờ tới, chẳng hạn như hông, bắp tay, bắp chân hay thậm chí là thắt lưng. Nhìn chung, dù có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu nhưng các vết rạn có xu hướng phát triển ở những khu vực tích tụ nhiều mỡ trên cơ thể.

5. Ai có nguy cơ cao bị rạn da?

Dù là một vấn đề thường gặp nhưng không phải mẹ bầu nào cũng bị rạn da khi mang thai. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ rạn da trong quá trình bầu bí là cân nặng của mẹ khi mang thai, cân nặng của em bé, tuổi tác và yếu tố di truyền.

Các bà mẹ tăng cân vượt mức trung bình trong quá trình mang thai thường dễ bị rạn da hơn. Cân nặng của bé quá lớn so với cơ thể của mẹ cũng làm tăng đáng kể nguy cơ này. Vì vậy, để giảm nguy cơ rạn da khi mang thai, mẹ bầu hãy giữ mức tăng cân trong khoảng 11-16kg. Để biết mức tăng cân phù hợp với thể trạng của mình, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Các bà mẹ mang thai khi tuổi đời còn trẻ, lúc da còn săn chắc sẽ đối mặt với nguy cơ rạn da cao hơn. Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng đóng vai trò rất quan trọng. Nếu trong gia đình có người thân từng bị rạn da khi mang thai, mẹ bầu cũng sẽ dễ bị rạn da hơn.

6. Bị rạn da bao lâu? Rạn da có hết sau khi sinh?

Các vết rạn da xuất hiện khi mang thai có xu hướng mờ dần trong 6-12 tháng sau sinh. Nếu mẹ bầu có làn da sáng hoặc có vết rạn nhỏ, qua thời gian, vết rạn mờ dần sẽ trở nên khó nhận thấy hơn. Tuy nhiên, khi đã xuất hiện, các vết rạn thường rất khó biến mất hoàn toàn.

Vì vậy, thay vì đau đầu tìm cách “xử lý” vết rạn, mẹ bầu nên áp dụng một số phương pháp để giúp ngăn ngừa tình trạng rạn da xảy ra. Theo đó, mẹ bầu có thể sử dụng các loại dầu dưỡng có nguồn gốc tự nhiên để ngăn ngừa hoặc hạn chế vết rạn phát triển.

7. Mẹ bầu bị rạn da nên làm gì?

Rạn da là một hiện tượng tự nhiên và không hề gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mẹ cũng như bé. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu cảm thấy tự ti và lo lắng về những vết rạn thiếu thẩm mỹ trên da. Để ngăn ngừa và hạn chế rạn da trong thai kỳ, mẹ bầu có thể áp dụng các phương pháp sau đây:

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Bí mật phía sau một làn da dẻo dai, có độ đàn hồi cao và khó bị rạn chính là sự phát triển khỏe mạnh của hai loại protein mang tên collagen và elastin. Hai loại protein này có kết cấu dạng sợi và tạo thành một mạng lưới liên kết bền chặt dưới da.

Để giúp tăng cường sức mạnh và khả năng tái tạo của collagen cũng như elastin, mẹ bầu có thể bổ sung một số loại thực phẩm sau đây vào chế độ ăn uống của mình:

  • Các loại cá, rau quả, đậu, hạt giàu chất béo tự nhiên như cá hồi, bơ, óc chó…
  • Các loại thực phẩm giàu vitamin A, E và C như cam, cải xoăn, bông cải, ớt chuông…
  • Các loại thực phẩm giàu vitamin B2, B3 như thịt bò, sữa, gan…

Một chế độ ăn lành mạnh không chỉ giúp làn da thêm khỏe mà còn hỗ trợ mẹ bầu kiểm soát cân nặng hiệu quả, từ đó làm giảm nguy cơ rạn da do tăng cân quá mức trong thai kỳ.

Uống đủ nước

Cách đơn giản nhất để giúp mẹ bầu đảm bảo làn da luôn căng tràn sức sống chính là uống đủ nước mỗi ngày. Ngoài nước lọc, mẹ bầu có thể dùng thêm các loại nước ép rau củ, sữa hạt để bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết cho quá trình tái tạo da.

Tập thể dục

Các bài tập thể dục nhẹ nhàng không chỉ giúp mẹ bầu giảm căng thẳng, tăng cường trao đổi chất và ngủ ngon hơn mà còn cải thiện khả năng đàn hồi và sự dẻo dai của làn da. Da vừa săn chắc, vừa có độ dẻo dai sẽ co giãn linh hoạt và ít xuất hiện vết rạn da khi mang thai hơn.

Dùng dầu chống rạn da

Ngoài việc xây dựng một chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý, mẹ bầu còn có thể thoa dầu chống rạn da từ sớm để ngăn ngừa việc hình thành các vết rạn trên da. Nếu da đã xuất hiện vết rạn, dầu dưỡng sẽ giúp hạn chế sự phát triển của vết rạn, làm mờ rạn da và đẩy nhanh quá trình tái tạo, thay mới làn da.

Bạn nên chọn các loại dầu chống rạn da có chứa các dưỡng chất tự nhiên tốt cho da như:

  • Tinh dầu thiên nhiên như tinh dầu cúc xu xi, tinh dầu oải hương, tinh dầu lá hương thảo và tinh dầu cúc La Mã. Những loại tinh dầu này có chứa các thành phần kháng viêm, kháng khuẩn tự nhiên giúp làm giảm độ nhạy cảm và tăng sức đề kháng cho da, tăng tuần hoàn máu, thúc đẩy quá trình tái tạo và thay mới làn da.
  • Vitamin như vitamin A, vitamin E có tác dụng thúc đẩy hình thành collagen mới, đồng thời bảo vệ làn da tránh khỏi tác động của các gốc tự do và ánh nắng mặt trời.

Để đạt hiệu quả tốt nhất, mẹ bầu nên dùng dầu chống rạn da ngay từ 3 tháng đầu của thai kỳ và kiên trì sử dụng vì các loại tinh dầu, dưỡng chất từ tự nhiên sẽ cần nhiều thời gian để phát huy tác dụng.

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin về các vết rạn da khi mang thai cũng như làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng này hiệu quả.

Đã thêm vào giỏ!

Xem giỏ hàng và thanh toán
Bạn đã thêm: 0 sản phẩm Tổng thanh toán: Xem giỏ hàng Thanh toán